Sách góp phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Sách giúp chúng ta nhìn thấy thế giới diệu kì với bao điều thú vị. Mỗi quyển sách như một cánh cửa mở ra chân trời mới. Hãy đọc sách để thay đổi tương lai!
Để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi mầm non là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo trong mỗi trang sách. Có như vậy thì tình yêu sách và niềm đam mê với sách ở trẻ mới được nhân rộng. Nắm được mục đích đó
Lúc này, trẻ còn nhỏ và chưa thể ý thức được sách là gì, tác động của nó như thế nào, chính vì vậy bố mẹ cần tác động vào lòng hiếu kỳ, sự chú ý của trẻ bằng cách duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày vào những khoảng thời gian nhất định. Tập cho trẻ thói quen “đọc” sách, ý thức giữ gìn bảo vệ sách như một văn hóa phẩm sẽ lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ và dùng lâu dài.
Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đầu tiên đến với trẻ như một đồ chơi đặc biệt. Trong quá trình tương tác với sách, trẻ được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Và đọc sẽ trở thành nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ. Dần dần tình yêu với sách, thích đọc sách, ham đọc được hình thành.
Đó là cơ sở vững chắc sau này phát triển văn hóa đọc ở mỗi con người. Cho dù mai sau, khi xã hội sẽ phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó.
Cái cảm giác khi ta được lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, hoạ tiết đẹp đẽ – chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính – có lẽ mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng.