Bệnh bạch hầu và những điều cần biết

 Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bạch hầu gây ra, bệnh có thể dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau đặc biệt là đối với trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ đúng thời điểm.

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.

2. Bệnh bạch hầu lây như thế nào?

– Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da:

+ Thông qua giọt nước trong không khí. Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải Corynebacterium diphtheriae. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.

+ Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng…

+ Đồ gia dụng bị ô nhiễm.

3. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu từ hai đến năm ngày sau khi bị nhiễm bệnh như sau :

– Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.

– Đau họng và khàn giọng

– Sưng hạch bạch huyết ở cổ

– Khó thở hoặc thở nhanh

– Chảy nước mũi

– Sốt và ớn lạnh

– Khó chịu

– Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Hình ảnh: Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan 

4. Biến chứng của bệnh

Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau:
– Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.
– Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
– Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
5. Các biện pháp phòng chống bệnh Bạch hầu

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
Mũi thứ 1: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi thứ 3: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi thứ 4: Tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi.